GIỚI THIỆU KHOA

 

Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, gánh nặng kép về dinh dưỡng ở Việt Nam ngày càng đặt ra cho ngành y tế những thách thức mới. Bên cạnh thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, gut, ung thư… đang gia tăng dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong. chăm sóc dinh dưỡng nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam và phòng chống các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng là những đòi hỏi cấp thiết.

Theo kết quả điều tra tại các tỉnh thành cho thấy, hơn 3/5 số khoa Dinh dưỡng tại các bệnh viện không có cán bộ có trình độ đại học. Hơn 1/4 khoa Dinh dưỡng không có cán bộ trung cấp. 74,5% cán bộ không được đào tạo về chuyên ngành dinh dưỡng, số được đào tạo về dinh dưỡng chỉ chiếm 25,5% với hình thức tập huấn ngắn hạn không chính quy.

Ở các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, dinh dưỡng là một nghề không thể thiếu. Với tỷ lệ 2 cán bộ dinh dưỡng/100.000 dân như của Malaysia, thì Việt Nam cần có 2.000 cán bộ dinh dưỡng. Để có số lượng cử nhân dinh dưỡng tiết chế đạt 1 cử nhân/100 giường bệnh như của Nhật Bản thì Việt Nam cần có 2.250 cán bộ dinh dưỡng tiết chế.

Tính đến cuối năm 2017 tại Việt Nam mới chỉ có 44 tân cử nhân dinh dưỡng tốt nghiệp ra trường tại Đại học Y Hà Nội. Số sinh viên đang học cử nhân ngành dinh dưỡng tại 3 trường đại học ở Việt Nam hiện nay là hơn 100 sinh viên. Như vậy trong 10 - 15 năm tới, nhu cầu về cán bộ dinh dưỡng được đào tạo chính quy vẫn đang còn là một vấn đề cần giải quyết tại Việt Nam.

Với sự cần thiết và nhu cầu nhân lực về cán bộ dinh dưỡng đang thiếu trầm trọng như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 4408/QĐ–BGDĐT ngày 18 tháng 10 năm 2017 cho phép trường Đại học Đông Á Đà Nẵng đào tạo cử nhân dinh dưỡng chính quy với mã ngành 7720401, nhằm đáp ứng với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực dinh dưỡng cung cấp cho các cơ sở y tế các tỉnh trên địa bàn Miền Trung Tây Nguyên và trong cả nước. Như vậy, tính đến thời điểm này, Đạị học Đông Á tại Đà Nẵng là trường duy nhất ở miền Trung – Tây Nguyên có đủ năng lực về giảng viên và cơ sở vật chất để đào tạo chuyên ngành này.

Khung chương trình đào tạo theo hướng thực hành được xây dựng dựa trên "Mô hình đổi mới chương trình đào tạo chuyên gia dinh dưỡng năm 2015" nằm trong dự án Phát triển nguồn lực dinh dưỡng của Nhật Bản (VINEP). Theo đó, sinh viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành và thực tập tại các cơ sở thực hành và bệnh viện.

Khung chương trình đào tạo tập trung vào đào tạo kỹ năng Dinh dưỡng Lâm sàng để các Cử nhân Dinh dưỡng sau khi ra trường có thể tự tin làm việc độc lập trong các hoạt động dinh dưỡng cho cá thể, tức là có khả năng tham gia điều trị về dinh dưỡng cùng với các bác sĩ điều trị, xây dựng và thiết kế thực đơn cho bệnh nhân cần chế độ tiết thực hoặc thực đơn cho các đối tượng khỏe mạnh khác. Bên cạnh đó sinh viên cũng được học các kỹ thuật khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và kỹ năng truyền thông, tư vấn dinh dưỡng để tư vấn dinh dưỡng cho từng cá thể hoặc cố vấn dinh dưỡng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, truyền thông về thực phẩm và dinh dưỡng.

Với yêu cầu của chuẩn đầu ra như vậy, nên hai năm học đầu sinh viên sẽ tập trung vào học các môn cơ bản có chương trình tích hợp tương đương với chương trình đào tạo sinh viên đại học Y đa khoa, hai năm sau sẽ tập trung vào học các phần dinh dưỡng chuyên ngành. Trong đó thời gian đi thực hành, thực tập tại các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở y tế khác và các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm chiếm khoảng 50%

Đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên ngành Dinh dưỡng của Đại học Đông Á 100% có trình độ sau đại học, đã có  Chứng chỉ Sư phạm Y tế và có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giảng dạy Y khoa . Hai năm học đầu là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ Bác sĩ có kinh nghiệm giảng dạy trong ngành Y. Hai năm học cuối, chương trình sẽ do các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ Bác sĩ  có trình độ chuyên sâu về dinh dưỡng đã từng du học ở các nước trên thế giới như Pháp, Ireland, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Thụy Điển, Indonesia, Thái Lan…

Trong thời gian theo học ngành Dinh dưỡng tại Đại học Đông Á các em có thể làm thêm ở các cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ và cơ sở khám, tư vấn dinh dưỡng ngoài giờ của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để nâng cao kỹ năng và có thêm thu nhập.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp rất rộng mở.

  • Các Cử nhân Dinh dưỡng sẽ làm việc tại các bệnh viện,  các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng khám tư vấn dinh dưỡng và các trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các tuyến trung ương, tỉnh/ thành phố, quận/huyện, xã;
  • Tham gia giảng dạy ở các trường đào tạo nhân lực y tế (hệ thống công lập và ngoài công lập) như đại học Y khoa, đại học Y tế Công cộng, đại học điều dưỡng… và các trường Cao đẳng Y tế…
  • Làm việc tại các tổ chức y tế phi chính phủ, các nhà dưỡng lão, các tổ chức xã hội thuộc ngành nghề chăm sóc sức khỏe, trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của quân đội và công an
  • Làm việc tại các viện nghiên cứu về dinh dưỡng và thực phẩm
  • Làm việc tại các trường học bán trú như nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở…
  • Làm việc tại các nhà máy sản xuất thực phẩm và thức ăn công nghiệp, các khách sạn, nhà hàng
  • Với trình độ tiếng Anh đạt TOIEC ≥ 450, cử nhân dinh dưỡng có cơ hội đi học và làm việc ở nước ngoài như Nhật hoặc học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).