Để có thể hòa nhập và thành công trong “thời đại 4.0”, ngoài trình độ chuyên môn mỗi đứa trẻ cần tới những kĩ năng thiết yếu khác. Không chỉ là tiếng Anh mà còn có tư duy phản biện, sáng tạo và giao tiếp…
Kỹ năng tiếng Anh
Bất kể nói về cách mạng công nghiệp 3.0 hay thời đại 4.0 thì tiếng Anh – ngôn ngữ toàn cầu vẫn sẽ thống lĩnh trên các mặt trận kinh tế, xã hội trên thế giới. Nếu không thành thạo nó, trẻ không thể nào vượt ra khỏi “chữ S” Việt Nam.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xem việc đào tạo tiếng Anh giống như giảng dạy 1 kỹ năng. Nghĩa là phải làm sao để ngôn ngữ này được hình thành và áp dụng thường xuyên trong thực tiễn. Từ đó các con có thể sử dụng để suy nghĩ, tư duy cũng như thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề, cả về học thuật lẫn xã hội.
Tư duy máy tính (Computational Thinking)
Tư duy máy tính là các quá trình tư duy bao gồm cả mô tả và lời giải bài toán sao cho lời giải có thể được thực hiện một cách hiệu quả bởi các thao tác tử xử lý thông tin
Tư duy máy tính ở đây cần được hiểu là nói về khả năng con người có thể làm, chứ không phải máy tính có thể làm. Ví dụ khi nhắc đến tư duy máy tính người ta thường nhắc đến các khả năng suy nghĩ và làm việc logic, có tính (tối ưu) thuật toán, có thể lặp lại và có thể trừu tượng hóa.
Tư duy máy tính là thái độ và kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người. Không chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực máy tính tính mới có mong muốn tìm hiểu và sử dụng.
Tư duy Máy tính là một kỹ năng cơ bản cho tất cả mọi người, không chỉ cho các nhà khoa học máy tính. Ngoài biết đọc, biết viết, và làm tính, chúng ta nên thêm Tư duy Máy tính vào năng lực phân tích của mỗi đứa trẻ
Tư duy phản biện (Critical thinking)
Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng gần đây tư duy phản biện mới thật sự được quan tâm tại Việt Nam. Nó cũng chính là một điểm yếu “chết người” mà nhiều thế hệ học sinh Việt mắc phải.
Hiểu một cách đơn giản thì tư duy phản biện là một quá trình tư duy nhằm chất vấn lại các giả thuyết hay thông tin nào đó. Người ta dùng nó để chứng minh một nhận định hợp lý hay không, từ đó đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề.
Việc rèn luyện tư duy phản biện là vô cùng cần thiết, bởi nhờ có tư duy phản biện, trẻ sẽ hình thành thói quen, biết cách tiếp cận vấn đề đa chiều, không thụ động; có khả năng quan sát, phân tích và nhìn nhận thấu đáo, từ đó trở nên tự lập, tự cường trong cuộc sống, dễ thích nghi trước mọi đổi thay.
Kỹ năng sáng tạo (Creative Skill)
Sáng tạo không hẳn là do năng lực bẩm sinh, nó là kết quả của một quá trình rèn luyện. Có khả năng sáng tạo, trẻ sẽ bẻ gãy tư duy đóng khung, luôn tìm tòi và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề. Quan trọng hơn, kỹ năng sáng tạo sẽ giúp trẻ biết cách linh hoạt áp dụng kiến thức nói chung vào thực tiễn một cách hiệu quả, từ đó được những thành tích cao trong cuộc sống, công việc.
Kỹ năng giao tiếp (Communication Skills)
Thực tế cho thấy, trẻ giao tiếp tốt luôn có khả năng thành công cao hơn trong cuộc sống. Giao tiếp tốt mới là điều kiện tiên quyết để con hoà nhập với bất kỳ môi trường nào, vừa giúp con có được kết quả học tập, công việc tốt hơn, vừa thúc đẩy sự phát triển của cá nhân nữa. Kỹ năng giao tiếp có thể phát triển thông qua nhiều hoạt động khác nhau, từ trò chuyện giản đơn đến thuyết trình, tranh biện….vv….
Kỹ năng hợp tác (Collaboration Skills)
Dù muốn hay không con người vẫn không ngừng hợp tác với nhau để chinh phục thiên nhiên hay giải quyết các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với kinh tế xã hội và tri thức như hiện nay, con người lại càng cần hợp tác hơn bao giờ hết. Nó chính là giải pháp chủ yếu để nhân loại có thể chung sống và phát triển cùng nhau. Việc trẻ có thói quen cự tuyệt hợp tác hay thiếu khả năng hợp tác đồng nghĩa với sự trì trệ và kém phát triển.
Mấu chốt của việc sở hữu và thành thạo những kỹ năng nói trên là phải có một quá trình rèn luyện thường xuyên và đều đặn. Trẻ cần có một môi trường học tiếng Anh phù hợp để hình thành và phát huy các kỹ năng cần thiết cho mình.