“Dinh dưỡng hiệu quả cho mùa thi” là nội dung báo cáo chuyên đề đầy thú vị và hữu ích dành cho các bạn học sinh THPT của TS.BS Phạm Hoàng Hưng – Chủ tịch Hội nhi khoa Thừa Thiên – Huế tại hội thảo “Dinh dưỡng hợp lý với sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật” được tổ chức tại Đại học Đông Á ngày 25/5.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động dinh dưỡng hợp lý trẻ hóa và ngăn ngừa bệnh tật, chia sẻ kiến thức về phát triển thể chất và tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, nhất là những tác động hiệu quả khi duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ ôn thi THPT và thi kết thúc môn cuối năm học đang gần kề của học sinh, sinh viên.
Trong phần trình bày về “Dinh dưỡng hợp lý với sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật”, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra những khuyến nghị dinh dưỡng vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp ngăn ngừa bệnh tật một cách hiệu quả, nhất là các bệnh dễ mắc phải trong cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực hiện nay.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia
Với nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt là canxi đối với độ tuổi của các bạn học sinh Việt Nam, tỉ lệ sữa và các chế phẩm từ sữa được khuyến nghị sử dụng cao gấp đôi so với người trưởng thành. “Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát sức khỏe và bệnh tật bằng thành phần thực phẩm hợp lý”, PGS.TS Bạch Mai nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, TS.BS Phạm Hoàng Hưng cũng “bật mí” về dinh dưỡng hiệu quả cho học sinh trong mùa thi. Theo TS.BS Hưng, khối lượng kiến thức phải tiếp thu nhiều, áp lực thi đậu đại học,... khiến mùa thi trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều bạn sĩ tử. Nhiều bạn học sinh và kể cả phụ huynh cuống cuồng tìm mua các loại thuốc được quảng cáo là “bổ não, sáng mắt” với mong muốn nhanh chóng cải thiện trí nhớ, tăng nhận thức, củng cố trí thông minh, sự nhạy bén, khả năng tư duy... Tuy nhiên, TS.BS Hưng nhấn mạnh, tuy vẫn có một số tác dụng nhưng cũng không nên quá kỳ vọng các loại thuốc này sẽ đặc hiệu và mang lại tác dụng tức thì trong giai đoạn thi cử của thí sinh.
TS.BS Phạm Hoàng Hưng – Chủ tịch Hội nhi khoa Thừa Thiên – Huế
Theo TS.BS Hưng, một chế độ dinh dưỡng đảm bảo các nhóm chất theo nguyên tắc Đủ - Cân đối – Đa dạng – Sạch kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học và hợp lý sẽ giúp sĩ tử giảm căng thẳng, trí óc minh mẫn để tiếp thu bài tốt hơn. Và dù “ngập” trong bài vở thì các bạn học sinh vẫn nên dành thời gian hợp lý cho các hoạt động giải lao thư giãn, vận động nhẹ nhàng như nghe nhạc, xem ti vi, đi bộ kể cả hoạt động ngoài trời phù hợp để tránh mệt mỏi và chống lại các cơn buồn ngủ kéo đến vào giờ học. Đồng thời, cần duy trì từ 4 – 5 bữa/ngày để đảm bảo không quá đói dẫn đến dễ bị hạ đường huyết trong thời điểm cận thi, lịch học được tăng cường dễ sinh bỏ bữa hoặc phân bố bữa ăn thiếu hợp lý.
TS.BS Hưng cũng lưu ý, kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra vào những ngày hè, thời tiết nóng nực – nhiệt độ trong ngày có khi đạt tới 38-40ºC nên cần đề phòng sự phát triển của vi khuẩn, sức đề kháng giảm sút khiến bạn trẻ dễ mắc một số bệnh theo mùa phổ biến như: sốt nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết,... Đồng thời cũng cần đa dạng hóa thực phẩm và thực đơn theo mùa để đảm bảo bổ sung đủ chất mà vẫn thấy ngon miệng, dễ hấp thu. Với những ngày hè nắng gắt thì thực đơn của sĩ tử nên sử dụng các thực phẩm có tính bình, tính hàn và có hàm lượng nước cao; mỗi bữa nên có từ 4-5 món và thay đổi món ăn hằng ngày. Nước, rau xanh và trái cây luôn được khuyến nghị tăng cường sử dụng nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp tăng cường trí nhớ và hệ miễn dịch.
Bàn về vai trò của đội ngũ nhân lực dinh dưỡng, phát biểu tại Hội thảo, TS.BS Vũ Thị Bắc Hà – chuyên khoa Dinh dưỡng cho biết, cùng với sự gia tăng mức độ quan tâm đối với dinh dưỡng cho cuộc sống, vị trí đội ngũ nhân lực dinh dưỡng càng trở nên quan trọng trong hệ thống dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng. Và không chỉ là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp, làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí chữa bệnh,... mà dinh dưỡng còn được xem là y học phòng bệnh, góp phần tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Trước yêu cầu thực tế và xu hướng chung trên thế giới về nhân lực dinh dưỡng, năm 2018, ĐH Đông Á cũng chính thức tuyển sinh và đào tạo cử nhân dinh dưỡng bậc đại học khóa đầu tiên. Đây là ngành học được kỳ vọng sẽ góp phần cung ứng kịp thời nguồn nhân lực dinh dưỡng chất lượng cho các cơ sở y tế, trường học,... tại Việt Nam, mà trọng tâm là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.