Có rất nhiều người dù đã được xác định khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn còn các triệu chứng kéo dài như đau đầu, mất ngủ, thay đổi khứu giác hoặc vị giác làm giảm cảm giác khi ăn uống, dẫn đến không muốn ăn, suy dinh dưỡng. Làm gì để khắc phục tình trạng này?
1. Cân đối lại bữa ăn để tìm cảm giác ngon miệng hậu COVID-19
1.1 Chia từng bữa nhỏ
Hậu COVID-19, khi cơ thể vẫn còn mệt mỏi và cảm giác chán ăn, việc phải ăn nhiều trong một bữa ăn có thể khiến người bệnh cảm thấy ngán và khó tiêu hóa, dễ bị buồn nôn.
Nếu chia ra từng khẩu phần nhỏ, ăn thành nhiều bữa, bạn sẽ không thấy lượng thức ăn quá nhiều và vẫn có thể cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
1.2 Dùng đĩa lớn hơn
Đựng thức ăn trong bát, đĩa to sẽ tạo cảm giác thức ăn trở nên ít đi, tạo cảm giác thoải mái và bạn sẽ thấy không phải quá sức để xử lý hết cả chỗ thức ăn trên đĩa nữa.
1.3 Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
Ăn các món chiên rán với nhiều dầu mỡ sẽ khiến bạn cảm thấy ngấy và cảm giác chán ăn sang cả những món khác.
1.4 Thêm gia vị cho món ăn
Để tạo thêm hương vị, kích thích cảm giác thèm ăn bạn có thể thêm một ít quế vào thức uống hoặc trong bất kỳ đĩa thức ăn nào yêu thích. Quế và các loại gia vị khác sẽ có lợi cho quá trình tiêu hóa, khiến bạn ăn nhiều hơn.
1.5 Ăn cùng gia đình
Sau khoảng thời gian phải cách ly mọi người, lúc này bạn nên ăn uống cùng gia đình. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bạn có thể sẽ ăn nhiều hơn khi trò chuyện và thưởng thức một bữa ăn vui vẻ cùng mọi người.
1.6 Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa
Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, chú ý bảo đảm dinh dưỡng, nên chọn những thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các axit amin thiết yếu, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu như cháo, súp, canh hầm…
1.7 Thường xuyên thay đổi thực đơn
Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người mới khỏi bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi.
2. Thực phẩm cần hạn chế cho người bệnh phục hồi COVID-19
- F0 sau khi điều trị COVID-19 không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc... Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.
- Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua…
- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.
Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống