Thực hành dinh dưỡng lâm sàng gắn liền với sinh viên ngành dinh dưỡng. Nói đến sinh viên Y khoa nói chung và sinh viên ngành dinh dưỡng nói riêng là nói đến bệnh viện, nói đến lâm sàng. Những ngày đầu mới đi bệnh viện, sinh viên còn có rất nhiều bỡ ngỡ. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp sinh viên ngành Dinh dưỡng có cách học phù hợp hơn và thích nghi nhanh hơn với môi trường bệnh viện.
Kiến thức:
“Văn ôn, võ luyện”, việc ôn tập kiến thức để “khởi động” cho một năm học mới là rất quan trọng. Sinh viên cần ôn lại kiến thức lý thuyết để áp dụng vào thực hành, nên đọc chỉ tiêu thực tập trước khi đi khoa phòng và cố gắng hoàn thành mục tiêu cho mỗi đợt thực tập.
Trong một đợt thực tập lâm sàng, các bạn sinh viên sẽ được thực tập nhiều nội dung như:
- Dinh dưỡng lâm sàng Nội
- Dinh dưỡng lâm sàng ngoại khoa, ung thư
- Dinh dưỡng lâm sàng Sản, Nhi
- Thực hành dinh dưỡng tiết chế
Mục tiêu:
Phải đặt ra mục tiêu cho mỗi đợt thực tập, mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi ngày. Mục tiêu cần phải cụ thể, rõ ràng, khả thi, đo lường được, có thời hạn. Ví dụ, ngày hôm nay phải thực hiện chỉ định được chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường, 1 ca tăng huyết áp, 1 ca bệnh thận mạn, . Mỗi tuần phải lập được 2 bản kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ở khoa đó…
Nội quy:
Tuân thủ nội quy bệnh viện, khoa phòng. Hạn chế sử dụng điện thoại khi đi thực tập. Đi thực tập đúng thời gian quy định.
Trang Phục:
Mặc áo quần blouse, đội mũ, mang khẩu trang, đeo thẻ sinh viên theo quy định. Đầu tóc gọn gàng, không để móng tay dài, không mặc quần áo blouse ra ngoài khu vực bệnh viện.
Sổ tay:
Mỗi sinh viên nên có một quyển sổ bỏ túi khi đi lâm sàng để ghi chép thông tin, những điều học được và ghi chú cần thiết. Nó sẽ như “người bạn đồng hành” cùng sinh viên trong thời gian đi thực tập.
Giao ban lâm sàng:
Đây là cơ hội để sinh viên học được những kiến thức mới, ôn lại được những kiến thức cũ, học hỏi được cách làm bệnh án dinh dưỡng, kế hoạch chăm sóc, học hỏi được kinh nghiệm của các bác sỹ và bạn bè.
Kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và nhân viên y tế:
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi đi lâm sàng. Ăn mặc chỉnh tề, thái độ lễ phép, ân cần, niềm nở sẽ giúp các em có được niềm tin của các anh chị nhân viên và bệnh nhân. Khi hỏi thông tin để lên chế độ ăn cho từng mặt bệnh, các em nên chuẩn bị trước những câu hỏi cần hỏi và nên đi theo nhóm để tránh hỏi bệnh nhân nhiều lần, ghi chép lại để tránh bỏ sót thông tin. Nên đọc trước tài liệu về bệnh đó và tham khảo thêm bệnh án. Tránh việc trêu đùa trong phòng bệnh, tránh bàn luận về tình trạng bệnh trước mặt người bệnh, tránh “hội chứng hành lang”.
Thực hành chủ động và cụ thể:
Học đi đôi với hành. Sinh viên phải chủ động học hỏi thông qua nhân viên y tế và trên người bệnh dưới sự hướng dẫn của giảng viên và các anh chị nhân viên y tế tại bệnh phòng. Mỗi bệnh nhân, mỗi mặt bệnh… đều có những đặc điểm riêng, do đó cần cụ thể. Ví dụ: bệnh nhân đái tháo đường sẽ có chế độ ăn khác so với bệnh nhân vừa đái tháo đường vừa bệnh thận mạn.
Cần chủ động hỏi những điều các em chưa rõ, tham khảo thêm bệnh án, hồ sơ. Số lượng sinh viên thực tập tại bệnh viện đông, đến từ nhiều trường khác nhau, các em cần có sự chủ động và tranh thủ thời gian rảnh để thực hành tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh, trao đổi bài với nhóm.
Thận trọng khi tư vấn, thăm khám.
Việc hằng ngày tiếp xúc với người bệnh và người nhà, các em phải cẩn thẩn, thận trọng, tìm hiểu kỹ kiến thức trước khi tư vấn, tránh tư vấn sai, dẫn đến hệ lụy mất đi sự tin tưởng của bệnh nhân đối với sinh viên thực tập. Nếu thông tin nào không chắc chắn, cần hỏi lại thầy cô, nhân viên bệnh viện trước khi tư vấn cho bệnh nhân.
Khi thực hiện thăm khám, tư vấn, cần đảm bảo vệ sinh tay trước và sau khi thăm khám, đeo khẩu trang.
Hi vọng các bạn không những học được những điều hữu ích, chuẩn bị hành trang cho nghề nghiệp trong tương lai mà còn để lại ấn tượng tốt cho thầy cô, nhân viên bệnh viện, bạn bè, bệnh nhân ở kiến thức, kỹ năng và nhất là ý thức học tập tốt ngay từ ban đầu.