Tại Việt Nam, cứ ba trẻ em dưới năm tuổi thì có một trẻ em thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân
NEW YORK / HÀ NỘI, Việt Nam – ngày 16 tháng 10 năm 2019 – Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ em đang tăng cao một cách đáng báo động. Đây là khuyến cáo UNICEF đưa ra trong báo cáo toàn cầu mới về trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng.
Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019: “Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng” chỉ ra rằng trên thế giới cứ ba trẻ em dưới năm tuổi thì có một trẻ em thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân – tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Cứ ba trẻ em từ 6 tháng đến hai tuổi thì có hai trẻ không được cho ăn những thực phẩm hỗ trợ sự phát triển thể chất và trí não nhanh chóng ở trẻ em, khiến trẻ có nguy cơ phát triển trí não kém, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ lây nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.
“Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ về kỹ thuật, văn hóa và xã hội trong những thập kỷ qua, nhưng chúng ta đã bỏ qua một sự thật cơ bản nhất: Nếu trẻ em ăn uống kém dinh dưỡng, trẻ em sẽ sống không khỏe mạnh,” Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết. “Hàng triệu trẻ em trên thế giới đang tồn tại với chế độ ăn không lành mạnh bởi vì đơn giản là các em không có lựa chọn nào tốt hơn. Cách chúng ta nắm bắt và giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng cần phải thay đổi: Suy dinh dưỡng không đơn thuần chỉ là có đủ thức ăn cho trẻ ăn; mà trên hết là phải có thức ăn lành mạnh để ăn. Đây là thách thức chung của thế giới ngày nay.”
Báo cáo đã đánh giá một cách toàn diện về tình hình suy dinh dưỡng trẻ em thế kỷ 21 ở tất cả các dạng thức. Báo cáo đã miêu tả gánh nặng của ba dạng thức suy dinh dưỡng: thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, và thừa cân. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017:
- 24% trẻ em dưới năm tuổi thấp còi
- 6% trẻ em dưới năm tuổi gầy còm
- 6% trẻ em dưới năm tuổi thừa cân
- Hơn 50% trẻ em dưới năm tuổi bị đói tiềm ẩn
Báo cáo khuyến cáo rằng thói quen ăn uống và cho ăn kém dinh dưỡng bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới được sinh ra. Phát hiện này cũng được nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây phân tích toàn cảnh về ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ trong khuôn khổ Sáng kiến Khu vực về Cải thiện Dinh dưỡng và Phát triển (RISING) và được Viện Dinh Dưỡng (NIN) thực hiện trong năm 2019. Báo cáo phân tích này cho thấy rất nhiều thói quen cho ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ ở Việt Nam chưa đầy đủ và phù hợp, khiến cho gánh nặng suy dinh dưỡng càng thêm nặng nề.
Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân và thừa cân ở phụ nữ và họ có nguy cơ sinh ra những trẻ em nhẹ cân. Hơn nữa, chế độ ăn không đầy đủ trong giai đoạn ăn bổ sung, khi trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi được bắt đầu cho ăn những thức ăn đầu tiên, thường rất phổ biến ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không có chế độ ăn đủ đa dạng và 36% thường xuyên không được cho ăn đủ.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều trẻ em đang tồn tại và sống sót – nhưng quá ít trẻ em được phát triển khỏe mạnh. Nếu chúng ta có thể đảm bảo dinh dưỡng ngay trong 1.000 ngày đầu đời thì trẻ em sẽ có một nền tảng khởi đầu vững chắc. Dinh dưỡng hợp lý là đảm bảo phụ nữ mang thai được nhận các chất dinh dưỡng giúp họ khỏe mạnh và nuôi em bé đang lớn dần lên. Sau khi sinh, bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cần sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, sau đó cho con ăn bổ sung dần dần các loại thức ăn khác nhau bao gồm rau và hoa quả. “Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua, suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được và nguy cơ thừa cân sẽ tăng,” Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ. “Cái giá phải trả nếu không giải quyết các dạng thức suy dinh dưỡng bao gồm thấp còi, nhẹ cân, gầy còm, đói tiểm ẩn, thừa cân ở trẻ em sẽ tăng cao – do đó cách đầu tư hiệu quả hơn chính là cung cấp các dịch vụ dinh dưỡng thông qua các hệ thống hỗ trợ bao gồm hệ thống thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường,” Bà nói thêm.
Theo Báo cáo tình hình trẻ em thế giới, khi trẻ em lớn lên, việc trẻ em tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh càng trở nên đáng báo động, chủ yếu là từ hoạt động quảng cáo tiếp thị không phù hợp, thực phẩm siêu chế biến tràn ngập ở các thành phố và cả những vùng sâu vùng xa, thức ăn nhanh và nước giải khát có chất tạo ngọt ngày càng nhiều. Do đó, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên bị thừa cân và béo phì ngày càng tăng trên thế giới. Từ năm 2000 đến 2016, tỷ lệ trẻ em thừa cân từ 5 đến 19 tuổi tăng đã gấp đôi, từ 1 trong 10 trẻ thành 1 trong 5 trẻ. So với năm 1975, ngày nay số trẻ em gái ở nhóm tuổi này mắc bệnh béo phì tăng gấp 10 lần và trẻ em trai tăng gấp 12 lần.
Báo cáo cũng đề cập đến thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu dẫn đến khủng hoảng lương thực trầm trọng. Ví dụ, hạn hán gây thiệt hại mất mát 80% sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi đột ngột nguồn thực phẩm sẵn có cho trẻ em và các gia đình cũng như chất lượng và giá thành thực phẩm.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng đang ngày càng phổ biến ở tất cả các dạng thức, UNICEF kêu gọi khẩn thiết các chính phủ, khu vực tư nhân, nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự, cha mẹ, gia đình và doanh nghiệp cần phải giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách:
1. Tăng quyền năng cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên để họ có nhu cầu và đòi hỏi thực phẩm dinh dưỡng thông qua cải thiện giáo dục về dinh dưỡng và áp dụng luật pháp – ví dụ như áp dụng thuế đối với đồ ăn thức uống có đường – nhằm giảm nhu cầu sử dụng những đồ ăn thức uống không lành mạnh.
2. Gây ảnh hưởng đến những nhà cung ứng thực phẩm để họ phải thực hiện những điều đúng đắn dành cho trẻ em, thông qua việc khuyến khích những thực phẩm lành mạnh, thuận tiện, giá thành phải chăng và bổ sung các chất dinh dưỡng
3. Xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua việc áp dụng những phương thức đã được chứng minh là có hiệu quả, như dãn nhãn thực phẩm với thông tin chính xác, dễ hiểu và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tiếp thị marketing những thực phẩm không lành mạnh và sản phẩm thay thế sữa mẹ.
4. Huy động các hệ thống hỗ trợ - y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục và an sinh xã hội – tăng cường kết quả đạt được trong việc cải thiện dinh dưỡng cho tất cả trẻ em.
5. Thu thập, phân tích và sử dụng số liệu và bằng chứng có chất lượng tốt một cách thường xuyên nhằm định hướng cho hành động và đánh giá các kết quả đạt được.
Sáng kiến Khu vực về Cải thiện Dinh dưỡng và Phát triển (RISING) kêu gọi tập trung cải thiện chế độ ăn uống của phụ nữ và trẻ em nhỏ trong giai đoạn ăn bổ sung từ 6 đến 24 tháng tuổi, coi đây là giai đoạn thiết yếu để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở Việt Nam.
######
Tải ảnh, b-roll, toàn văn báo cáo, thông tin số liệu tóm tắt tại đây. Hãy truy cập để theo dõi nội dung tương tác đặc biệt trên website của chúng tôi hoặc tải báo cáo tại đây.
Về tổ chức UNICEF
UNICEF hoạt động tại những nơi khó khăn nhất trên thế giới, để tiếp cận được với những trẻ em thiệt thòi nhất thế giới. Có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi làm việc vì mọi trẻ em, ở bất kỳ nơi đâu, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Để biết thêm thông tin về UNICEF và các hoạt động vì trẻ em, xin mời truy cập: www.unicef.org
Hãy theo dõi các hoạt động của UNICEF trên Twitter and Facebook
Để biết thêm thông tin, mời liên hệ:
Louis Vigneault-Dubois, UNICEF Việt Nam +84-24-38500241; +84-966539673; email: lvigneault@unicef.org
Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-24-38500225; +84-904154678; email: ntthuong@unicef.org
Một số hình ảnh tại buổi họp báo
Press release