Hiện nay trên toàn quốc, nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng tại các cơ sở y tế còn rất hạn chế so với các ngành khác.
Theo Thông tư 18/2020/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện yêu cầu, bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng; cứ 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng.
Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực ngành dinh dưỡng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các bệnh viện.
Trong bối cảnh xã hội thiếu hụt nhân sự có chuyên môn bài bản về Dinh dưỡng, ngành học này được đánh giá là đầy tiềm năng và cơ hội việc làm rộng mở.
Còn có quan niệm sai lầm về ngành Dinh dưỡng
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, trong ngày hội tuyển sinh của Trường Đại học Đông Á, một số học sinh có băn khoăn rằng “học ngành Dinh dưỡng để ra trường đi nấu cháo dinh dưỡng”. Đó là một quan điểm sai lầm, bởi thực tế cơ hội nghề nghiệp của ngành Dinh dưỡng rộng mở hơn rất nhiều.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ngành Dinh dưỡng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vì dưới góc nhìn của xã hội, nhiều thí sinh và phụ huynh hướng nghiệp cho con chưa hiểu rõ về công việc dinh dưỡng và cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành.
Về đặc thù của ngành, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà thông tin, Dinh dưỡng là một ngành thuộc khối ngành sức khỏe, tuy nhiên có một số điểm khác biệt so với các ngành khác.
Ngành Dược học nghiên cứu dược tính của thực phẩm, tác dụng dược lý của thuốc lên cơ thể người bệnh. Trong khi đó, ngành Dinh dưỡng nghiên cứu thành phần các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm và mối quan hệ giữa các chất dinh dưỡng với cơ thể. Ví dụ, khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ được tiêu hóa, hấp thu chuyển hóa như thế nào, sử dụng các dưỡng chất có lợi ra sao...
Trong bệnh viện, sau khi bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân, dinh dưỡng viên sẽ khám, đánh giá và can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng. Trong trường hợp trường hợp bệnh nhân suy thận, phải điều trị chạy thận nhân tạo, dinh dưỡng viên sẽ can thiệp. Bởi nếu bệnh nhân ăn sai cách, thay vì chạy thận hai lần/tuần, có thể sẽ tăng lên ba lần/tuần. Với những người bị bệnh tiểu đường, biến chứng sẽ đến sớm hơn.
Theo cô Hà nhận định, cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng mở rộng và ít chịu rủi ro hơn rất nhiều so với các ngành thuộc khối ngành sức khoẻ. Công việc của bác sĩ vất vả hơn, chịu rủi ro nhiều hơn, bởi nhiều trường hợp là bệnh cấp cứu, các biến chứng xảy ra thường xuyên.
Trên thực tế, rất hiếm trường hợp xảy ra các vấn đề tai biến về dinh dưỡng. Nếu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc ăn uống khó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và nặng nề cho người bệnh.
Cơ hội việc làm rộng mở với cử nhân Dinh dưỡng
Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực hoạt động trong ngành Dinh dưỡng sẽ ngày càng tăng lên, đặc biệt ở các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở của các thành phố lớn.
Từ đó, cơ hội việc cho sinh viên đang theo học ngành Dinh dưỡng trở nên rộng mở. Không chỉ làm việc tại các cơ sở bệnh viện, các bạn có thể làm dinh dưỡng cộng đồng tại các trường học có suất ăn bán trú, các công ty về thực phẩm,…
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hiện đang tiếp nhận 10 sinh viên thực tập ngành Dinh dưỡng của Trường Đại học Đông Á. Sinh viên được thực hành các công việc như sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nội trú, lập kế hoạch can thiệp và xây dựng khẩu phần ăn bệnh lý, tư vấn truyền thông dinh dưỡng cho người bệnh, giám sát hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến suất ăn, xây dựng thực đơn và chế biến thức ăn qua sonde cho bệnh nhân nặng tại các khoa như Hồi sức tích cực, Nội tổng hợp, Nội tim mạch,…
Sinh viên ngành Dinh dưỡng Trường Đại học Đông Á học cách chỉ định can thiệp dinh dưỡng và quy trình pha chế sản phẩm nuôi dưỡng người bệnh
Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê đánh giá, sinh viên của Trường Đại học Đông Á đều chăm chỉ, kỷ luật, luôn có tinh thần học hỏi và có các kỹ năng làm việc nhóm. Các bạn được trang bị khá tốt các kiến thức về chuyên môn, luôn chủ động hoàn thành tốt các công việc được giao.
Về cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Bắc Hà chia sẻ, sinh viên học ngành Dinh dưỡng ra trường có hai vị trí việc làm lớn nhất, bao gồm vị trí việc làm tại bệnh viện và vị trí việc làm tại cộng đồng.
Vị trí việc làm của dinh dưỡng viên trong bệnh viện liên quan đến tất cả các vấn đề bệnh lý trong bệnh viện. Cụ thể là đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trong thời gian nằm viện, hướng dẫn, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý trong thời gian nằm viện.
Vị trí việc làm ở ngoài cộng đồng rất phong phú. Sinh viên có thể làm cán bộ điều tra về dinh dưỡng cộng đồng tại các trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, hoặc giám sát an toàn thực phẩm, xử lý những vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Cụ thể là lưu các mẫu thức ăn, kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm ở các nhà hàng, công sở.
Sinh viên còn có cơ hội trở thành các chuyên viên dinh dưỡng trong các trường học, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi trẻ em.
Ngoài ra, cử nhân Dinh dưỡng có thể giảng dạy ở viện nghiên cứu, trường đại học, hoặc làm cho các tổ chức phi chính phủ, các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm chuyên về mảng dinh dưỡng, cụ thể là tạo ra công thức dinh dưỡng để sản xuất, chế biến phù hợp với các đối tượng trong xã hội.
Sinh viên được học 5 mô-đun về dinh dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà cho biết, trong chương trình đào tạo ngành Dinh dưỡng ở Trường Đại học Đông Á, sinh viên sẽ được học 5 mô-đun đi từ cơ bản đến chuyên sâu.
Thứ nhất là mô-đun dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể là những vấn đề cơ bản về các chất dinh dưỡng, tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, các vấn đề về an toàn thực phẩm. Những chất gây ngộ độc thực phẩm là gì, cách chúng ta phòng chống, xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, kiến thức về giải pháp xử lý là quan trọng nhất.
Thứ hai là mô-đun dinh dưỡng cộng đồng. Sinh viên sẽ học được cách theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng qua khám bệnh, điều tra các khẩu phần ăn trên diện rộng, các vấn đề dịch tễ về dinh dưỡng. Ví dụ khu vực dân cư thường có những bệnh gì liên quan đến dinh dưỡng, và đưa ra các giải pháp can thiệp cho cộng đồng.
Trong mô-đun này, sinh viên có thể làm truyền thông, giáo dục dinh dưỡng cho các tập thể hoặc nhóm, thậm chí hướng dẫn dinh dưỡng cho cá thể với điều kiện chưa có bệnh lý quá nặng nề.