[Đồng hồ sinh học của cơ thể]
Năm 2017, công trình nghiên cứu của 3 nhà bác học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã được trao giải Nobel vì phát minh ra cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học của cơ thể, làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề. Thiệt ra nó cũng không có gì mới mẻ cả, vì có vẻ ta cảm nhận được từ lâu, rằng bên trong ta có một thứ nhịp đồng hồ nào đó điều khiển những gì ta làm hằng ngày. Có phải tới giờ nào đó bạn tự nhiên thức dậy, rồi cũng đến thời điểm đó tự nhiên buồn ngủ. Tất cả là do sự điều khiển của hệ sinh học trong cơ thể và cái này có sự tương tác cao độ với chu kỳ của vạn vật chung quanh, như mặt trời, ngày đêm, như nắng mưa, như mùa màng, cây cỏ.
Sự tương tác này là tín hiệu cho mọi thứ bên trong ta. Tưởng tượng nhé nếu chúng ta như cỏ cây, muôn thú, đời sống diễn ra từ việc ăn uống, đi kiếm mồi, săn bắt, hái lượm, ngủ nghỉ, thậm chí các hoạt động giao phối, sinh sản, cũng sẽ đồng điệu, nhịp nhàng, một bàn tay vô hình nào đó đã sắp xếp sẵn cả rồi. Và rồi chúng ta có vô vàn phát minh: có điện để có thể thay ánh bình minh, có những công việc buộc ta phải làm ban đêm như con dơi rời hang kiếm mồi khi mặt trời tắt. Ta còn có nguồn thực phẩm khổng lồ sẵn tiện, 24 trên 24. Có café để tỉnh táo buổi sáng, có bò húc hay trà sữa uống tỉnh táo ban đêm, có ly nước hoa quả để thật “phờ rét sờ” vào mỗi đầu giờ chiều ở công sở. Hay có bát hủ tiếu nóng đầu xóm để chẳng may quá đói khi đi chơi khuya về. Thế rồi xập xình ba bủng để hung phấn những tối cuối tuần xong sáng sau đầu óc nặng trĩu.
Đấy, là chúng ta đang trải nghiệm một đời sống thật sôi động và nhiệm màu quá chừng. Không gì là không thể, cho tới khi nhận ra giảm cân là thứ không thể, bệnh tật là thứ không chữa được. Xong lại xót xa cho đời mình, chấp niệm sự vô thường lãng nhách.
Thật ra cơ thể chúng ta chưa bao giờ lừa đối chúng ta. Cơ thể luôn đưa ra vô vàn tín hiệu, mà có thể mình đã quen không thèm đếm xỉa chúng, chỉ vì thỏa mãn những ham muốn thú vui của bản thân. Cơ thể chưa bao giờ muốn tàn phá chính mính, chỉ là nó đang cố gắng duy trì sự sống còn cho bạn. Thí dụ bạn bị tụt đường huyết, nó buộc lòng phải hối thúc bạn bằng một thỏi sô cô la ngọt đường để cơ thể còn tồn tại được. Nhưng dấu chỉ ở đây là sự lên xuống quá nhanh của đường huyết, bào mòn dần cơ thể về sau. Có thể nào là do bạn đã chọn những lối sống không lành mạnh, những thực phẩm không lành mạnh. Thỏi sô cô la thì là ví dụ thôi, nó còn là bát phở đêm, còn là lon bò húc, còn là ly cà phê, còn là đủ thứ, …những hệ quả của nền công nghiệp thực phẩm hiện đại quan tâm tới lợi nhuận, chạy theo thậm chí sáng tạo thêm sự thỏa mãn, chứ không phải sức khỏe.
Quay lại câu chuyện đồng hồ sinh học, nếu thử ngồi nhẩm lại thật chi tiết một ngày mình đã bỏ vào miệng những thứ gì, lúc nào… thì mới thấy lộn xộn khủng khiếp. Tưởng tượng việc mình ăn xong là xong thì không đúng rồi. Sự ăn luôn ở bên trong ta mỗi giây phút. Ăn chỉ là sự khởi đầu cho rất nhiều công việc xảy ra sau đó, chuỗi chu kỳ sinh lý của bản thân, gồm thức dậy, kiếm ăn, nhai, nuốt, sau đó tiêu hóa, co bóp dạ dày, gan mật, dịch tụy tiết ra, hấp thu, đưa các chất cần thiết đến toàn bộ cơ thể, song song với đó là tích mỡ để lúc nào khác có thể đem ra sử dụng năng lượng nuôi sống cơ thể. Tất cả các chu kỳ này cần đồng bộ và nhịp nhàng.
Cùng với đó, vô vàn những đồng hồ sinh học đang cài cắm trong từng bộ phận cơ thể để tín hiệu này là khởi đầu cho chuỗi kia, tổng hợp một loạt các gen, các tế bào sống động mỗi giây phút. Và việc phá hủy nó bằng một lối sống vô tội vạ, ăn uống vô chừng đã phá vỡ đi hết các đồng hồ sinh học tinh vi này. Cơ thể càng lúc càng mệt mỏi trong việc duy trì việc tồn tại của nó bằng việc ăn xong lại đói, đói thì lại ăn, ăn xong lại tích mỡ, mỡ xong lại uống thuốc giảm cân, giảm cân xong lại táo bón, rồi tâm trạng lúc nào cũng như lên xuống như tàu lượn.
Vậy mới biết ăn gì cũng không quan trọng bằng ăn như thế nào. Một ý niệm vô cùng đơn giản, ăn uống điều độ, nhưng không phải ai cũng ý thức sâu sắc và chú tâm thực hiện. Vì nó là một lối sống chứ không còn chế độ ăn hay gì nữa rồi.